Chấm dứt xe quá trọng tải năm 2015
Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải”
Năm 2014, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) tiếp tục được Tổng cục chú trọng, tăng cường thực hiện. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác ATGT đã có những chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế gia tăng tai nạn giao thông trên toàn quốc; một số vấn đề tồn tại, bức xúc trong nhiều năm đã dần được cải thiện.
Tổng cục đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, đơn vị của Tổng cục, chuyển đổi 4 Khu QLĐB thành 4 Cục QLĐB, thành lập 26 Chi cục; chuyển đổi Văn phòng Quản lý đường cao tốc thành Cục Quản lý đường bộ cao tốc.
Tổng cục đã triển khai công tác KSTTX trên phạm vi toàn quốc, tổ chức thanh tra về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, kiểm soát tải trọng từ đầu nguồn hàng đạt được kết quả tích cực, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong công tác vận chuyển hàng hóa và bảo vệ công trình cầu đường.
Công tác tổ chức giao thông, phân làn đường, rà soát điều chỉnh biển báo hiệu đường bộ, biển báo tải trọng cầu; xử lý điểm đen trên các tuyến đường bộ đã góp phần quan trọng làm cho giao thông thông thoáng, an toàn hơn; được dư luận xã hội đánh giá cao.
Công tác kế hoạch bảo trì đường bộ có đổi mới, chuyển biến tích cực; tiến độ, chất lượng được nâng cao, tăng cường thực hiện công khai minh bạch, tạo sự thống nhất, chủ động và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Tích cực triển khai kế hoạch hành động về siết chặt quản lý hoạt động vận tải đường bộ với các văn bản mới được ban hành; tổ chức khám sức khỏe cho đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải; tổ chức kiểm tra về thực hiện quy chuẩn và tổ chức quản lý hoạt động bến xe ô tô khách; phân tích, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT… hoạt động vận tải đường bộ đã có chuyển biến bước đầu về chất lượng dịch vụ và đảm bảo ATGT.
Hoàn thành công tác kiểm kê, áp giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Nghị định 10/2013 của Chính phủ, chuẩn bị cho công tác hạch toán tài sản KCHT GTĐB.
Thực hiện thí điểm thành công cung cấp dịch vụ công mức độ 3 về đổi giấy phép lái xe tại cơ sở để triển khai trong toàn quốc vào đầu năm 2015; lắp đặt thiết bị sát hạch lái xe ô tô 2km trên đường và thiết bị tự động sát hạch lá xe mô tô.
Liên Hiệp quốc đã công nhận Việt Nam là bên tham gia Công ước Quốc tế về giao thông đường bộ, theo đó Việt Nam đang tích cực để chuẩn bị cấp GPLX quốc tế vào Quý II năm 2015.
Quyết liệt thực hiện Dự án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên theo chỉ đạo của Bộ GTVT; tổ chức rà soát các cầu thuộc diện ưu tiên trong Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số; cơ bản hoàn thành công tác thẩm định thiết kế, dự toán Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam.
Trong năm 2014, sự phối hợp giữa chuyên môn và Công đoàn Tổng cục được thực hiện chủ động, tập trung vào hoạt động trọng tâm của Tổng cục và làm tốt công tác từ thiện xã hội; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua và triển khai các trương trình do cấp trên phát động. Đã chỉ đạo 100% các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dân chủ, đúng quy định; qua đó tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của công chức, viên chức, người lao động gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Tuy đạt nhiều kết quả trong năm qua nhưng so với yêu cầu phát triển thì còn quá nhiều việc phải làm trong những năm tiếp theo, Vì vậy Tổng cục ĐBVN đã đề ra mục tiêu thực hiện phương châm hành động của ngành GTVT năm 2015 “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, Tổng cục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2015 trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu: Nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kéo dài tuổi thọ công trình, bảo đảm giao thông thông suốt, êm thuận; hoàn thành và duy trì bền vững kết quả kiểm soát tải trọng xe; giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đào tạo sát hạch lái xe; đẩy mạnh cải cách hành chính.
Năm 2015, Tổng cục tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật đã trình Bộ để sớm được ban hành.
Trong công tác quản lý kết cấu hạ tầng – bảo trì đường bộ, Tổng cục sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ hệ thống quốc lộ ngay trong Quý I/2014, ký kết và thực hiện hợp đồng ngay sau khi có kết quả đấu thầu. Đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT, công nghệ, các sản phẩm dịch vụ và các sáng kiến mới trong công tác sửa chữa định kỳ và bảo dưỡng thường xuyên.
Trong công tác ATGT và phòng chống lụt bão, Tổng cục tăng cường kiểm tra và yêu cầu thẩm tra với công tác ATGT đối với các dự án xây dựng cơ bản và đường đang khai thác; kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề bất cập về tổ chức giao thông trên QL, kiểm tra đôn đốc nhắc nhở đối với đường địa phương. Tiếp tục tham mưu đẩy mạnh, siết chặt công tác KSTTX, trong đó tập trung kiểm soát tại trọng tại các đầu mối xếp hàng hóa. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể Trạm KTTTX trên đường bộ; Thực hiện rà soát và sửa đổi Qui chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ, trong đó có triển khai Công ước viên và đường cao tốc vào quy chuẩn về báo hiệu đường bộ chung. Chỉ đạo hoạt động các Trung tâm cứu hộ, cứu nạn đi vào nề nếp, hiệu quả; thường trực và kịp thời xử lý các diễn biến, sự cố cầu đường, xử lý các công trình cấp bách đột xuất ĐBGT; tăng cường công tác kiểm tra và hậu kiểm nâng cao chất lượng hồ sơ và chất lượng tiến độ công trình; nghiên cứu quy hoạch lại hệ thống kho bảo quản tài sản, vật tư thu hồi trên toàn quốc.
Về công tác quản lý đầu tư XDCB, hoàn thành xây dựng 187 cầu treo dân sinh bảo đảm chất lượng, tiến độ (trước 30/6/2015), đồng thời triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến công tác xây dựng khoảng 4000 cầu dân sinh trong giai đoạn 2015-2017.
Công tác quản lý vận tải đường bộ, triển khai quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Đổi mới quản lý vận tải, cụ thể: Triển khai xây dựng Sàn giao dịch vận tải hàng hóa; ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động vận tải, xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý hoạt động vận tải tiến tới thống nhất trên toàn quốc; thúc đẩy, khuyến khích đầu tư xây dựng khai thác các trạm dừng nghỉ để sớm hình thành hệ thống trạm dừng nghỉ trên các quốc lộ theo quy hoạch đã được Bộ phê duyệt… Thành lập các đoàn kiểm tra kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sau khi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được ban hành và có hiệu lực;
Đối với Quản lý phương tiện, người lái, Tổng cục triển khai áp dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với dịch vụ đổi giấy phép lái xe trên toàn quốc và cấp GPLX quốc tế trong Qúy II/2015; thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin giấy phép lái xe. Tiếp tục triển khai tập huấn nâng cao trình độ giáo viên dạy lái xe; tập huấn sát hạch viên trên toàn quốc; thực hiện thí điểm sát hạch 2km đường trường và thiết bị sát hạch lái xe mô tô hạng A2, tổng kết đánh giá báo cáo Bộ GTVT để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Thực hiện 10 chữ: “Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải”
Phần tham luận tại Hội nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị, báo cáo về tình hình xe quá tải trên đị bàn quản lý.
Đồng chí Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đặt ra câu hỏi với các địa phương và đơn vị trong ngành giao thông làm cách nào để năm 2015 kiểm soát được xe quá tải?
Theo ông Trần Bá Đạt, Vụ phó Vụ An toàn giao thông, tỷ lệ xe quá tải giảm từ 50% từ tháng Ba xuống còn 8,3% vào những tháng cuối năm. “Tuy số lượng xe quá tải giảm sâu nhưng chưa bền vững, xe quá tải hiện vẫn hoạt động ở một số tuyến đường ngang, ngõ tắt, lực lượng cảnh sát giao thông mỏng. Cá biệt, vẫn còn tình trạng chủ hàng ép doanh nghiệp chở quá tải móc nối cò, lái xe chống đối lực lượng chức năng, lãnh đạo tỉnh chưa vào cuộc, một bộ phận lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm…” ông Đạt khẳng định.
Nhấn mạnh đến công tác kiểm soát tải trọng xe năm 2015, vị Vụ phó Vụ An toàn giao thông cho rằng, Tổng cục sẽ tiếp tục duy trì cơ bản công tác kiểm soát tải trọng xe trong đó giao nhiệm vụ cho người đứng đầu địa phương, các cơ quan, tăng cường thời gian hoạt động 24/24 giờ với các trạm cân, xử lý tiêu cực lực lượng thực thi làm nhiệm vụ, tuần tra kiểm tra bằng cân xách tay, đầu tư trạm cân gắn liền trạm thu phí, tăng cường công tác hậu kiểm, cấm đấu thầu các dự án giao thông đối với các đơn vị xây dựng.
Tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các tỉnh thành trả lời các câu hỏi của Bộ trưởng về công tác kiểm soát xử lý xe quá tải đặc biệt là xe quá kích thước thùng hàng (xe HOWO).
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho biết, tỉnh có 400 xe. Sau một thời gian xử lý, hiện tại còn hơn 20 xe. Ngoài ra, nhiều địa phương tham dự hội nghị cũng bày tỏ cam kết phấn đấu năm 2015 sẽ xóa bỏ được tình trạng xe chở quá tải.
Là tỉnh kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm soát tải trọng xe, đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An cho rằng, tỉnh có 9.000 xe tự đổ, trong đó 293 xe HOWO. Đến nay, số xe này chỉ còn 2-3 xe chủ yếu chạy trong vùng mỏ, không dám lưu thông ngoài đường.
“Để đạt được kết quả này, lãnh đạo tỉnh đã dành thời gian trực tiếp vi hành kiểm tra xe quá tải, không can thiệp vào xe quá tải, xử lý nghiêm các tiêu cực, siết chặt cấp phép lưu hành xe trên đường, bố trí lực lượng tuần đường làm trinh sát về các xe có hành vi cơi nới thùng hàng có dấu hiệu vi phạm,” lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho hay.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng thống nhất với các báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 đồng thời biểu dương những kết quả tích cực của cán bộ, công nhân viên ngành Đường bộ đã đạt được trong năm qua. Bộ trưởng cho rằng. Thành công của ngành Giao thông vận tải trong năm 2014 có sự đóng góp của Tổng cục ĐBVN, Sở Giao thông Vận tải địa phương.
Về công tác kiểm soát tải trọng xe, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận, công tác đảm bảo trật tự án toàn giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng, siết tải trọng xe, điều kiện kinh doanh vận tải lẽ ra phải làm rất lâu nhưng thời gian trước chúng ta đã buông lỏng và giờ mới làm. “Đây là 1 cuộc chiến đầy cam go, thách thức, không phải phải một sớm một chiều. Mặc dù năm vừa qua đã thu được kết quả ban đầu nhưng vẫn còn là vấn đề nan giải,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Đối với ngành đường bộ năm 2015, người đứng đầu ngành giao thông khẳng định chỉ cần thực hiện 10 chữ: Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải.
Muốn làm được điều này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị trong ngành tập trung hoàn thiện văn bản pháp luật, cải cách thủ tục hành chính đặc biệt liên quan kinh doanh vận tải, siết tải trọng xe; tìm các nguồn vốn triển khai xây dựng hạ tầng nhất là vùng sâu vùng xa về các công trình cầu treo dân sinh bởi người dân ở khu vực này cũng phải được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước về giao thông.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương và đơn vị trong ngành giao thông cần tập trung, kiểm soát chấm dứt xe quá tải. Việc này hoàn toàn làm được bởi chính các Giám đốc, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải biết hết những đơn vị, xe quá tải ở địa phương nhưng quan trọng là có làm hay không?
“Bộ Giao thông Vận tải biết các địa phương khi kiểm soát xe quá tải có ảnh hưởng đến người này, người khác. Nhưng nếu công khai, minh bạch việc này, lãnh đạo Bộ sẽ làm việc trực tiếp với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh. Chúng ta không thể chịu thua mà dứt khoát làm cho được. Chúng ta đừng lo chuyện thiếu biên chế vì nếu chỉ có lực lượng thanh tra giao thông sẽ không làm được mà cần sự phối hợp tổng thể của các lực lượng khác. Đây là việc trọng tâm, xuyên suốt”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ phải có biện pháp xử lý đối với các Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ nếu không nắm được xe quá tải tại địa phương, tuyến đường quản lý.
“Tổng cục phải xác định gắn rõ trách nhiệm của người đứng đầu về lĩnh vực giao thông, chống tiêu cực trong lực lượng thanh tra, không dung túng bao che, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm. Địa phương này làm tốt thì địa phương khác cũng như vậy để chúng ta có được thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Tại Hội nghị tổng kết, Đồng chí Nguyễn Ngọc Bình- Chủ tịch Công đoàn Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát động phong trào thi đua ngành Đường bộ năm 2014.