Quy định về tải trọng của xe cơ giới
Công ty của ông Trần Chung có 2 xe tải hiệu JAC 310 năm 2012, xe 4 chân, 12 lốp, kích cỡ lốp 12.00-20, đăng ký cách nhau 1 tháng, cùng một nơi đăng ký lưu hành.
Một chiếc xe đăng ký trước có trọng tải 15 tấn và tổng trọng tải là 28 tấn, còn chiếc đăng ký sau trọng tải ghi 17,5 tấn và tổng trọng tải là 31 tấn.
Hiện nay chiếc xe cho phép tải trọng 17,5 tấn vẫn được lưu hành tuyến Nghệ An – Hà Nội, còn chiếc xe 15 tấn không lưu hành được. Nếu lưu hành phải chạy quá tải, nếu không sẽ không đủ chi phí. Ông Chung đề nghị cơ quan chức năng giải đáp về trường hợp đăng ký 2 chiếc xe nói trên.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Hiện nay, theo rà soát trong cơ sở dữ liệu quản lý xe cơ giới tại Cục Đăng kiểm Việt Nam thì có khoảng hơn 40 chiếc ô tô sát xi có buồng lái (chưa có công năng) nhãn hiệu JAC, công suất động cơ 310 hP được nhập khẩu vào Việt Nam. Những chiếc xe này đều cần phải làm thủ tục thiết kế và sản xuất, lắp ráp thùng xe ở trong nước trước khi đưa xe vào hoạt động, khai thác.
Về nguyên tắc, việc xác định khối lượng cho phép tham gia giao thông được Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện như sau: Căn cứ vào hồ sơ thiết kế của các Cơ sở thiết kế xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thẩm định thiết kế và kiểm tra đồng thời ghi nhận giá trị khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông trong trường hợp đảm bảo các điều kiện sau:
- Không vượt quá Giá trị lớn nhất của tải trọng trục xe (kể cả tải trọng lốp xe) và khối lượng toàn bộ của xe (gồm cả phân bố khối lượng toàn bộ lên các trục xe) do Nhà sản xuất công bố.
- Không vượt quá Giá trị lớn nhất của tải trọng trục xe và khối lượng toàn bộ của đoàn xe theo quy định Quy chuẩn Quốc gia QCVN 09:2011/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
Chinhphu.vn